[Quan trọng] BHA nên kết hợp với gì? Cần đọc kĩ trước khi dùng!

BHA hiện là một trong những thành phần phổ biến nhất trong ngành mỹ phẩm chăm sóc da. Tuy nhiên, đây là một hoạt chất mạnh, bạn không thể cứ mua 1 sản phẩm BHA về rồi thoa nên mặt. Nếu kết hợp sai thành phần với BHA, đó có thể là một thảm họa. Vậy BHA nên kết hợp với gì và không nên kết hợp với gì? Cùng adamvietnam tìm hiểu tất tần tật trong bài viết này nhé.

BHA là gì?

BHA là viết tắt của beta-hydroxy acid. BHA là các cacboxylic acids hữu cơ hoạt động trên bề mặt da và sâu bên trong lỗ chân lông. BHA tan trong dầu, vì vậy nó thường được sử dụng trên các làn da dầu, dễ bị nổi mụn, tắc nghẽn, da mụn và lỗ chân lông to.

Dạng BHA phổ biến nhất là salicylic acid, chiết xuất từ ​​vỏ cây liễu. Ngoài ra BHA còn có một số dạng khác như beta-hydroxybutanoic acid, tropic acid, trethocanic acid nhưng gần như không xuất hiện trong các loại mỹ phẩm.

BHA là một hoạt chất (active treatment) mạnh nên việc kết hợp BHA với các thành phần chăm sóc da khác sẽ có những lưu ý quan trọng.

BHA nên kết hợp với gì?

bha nen ket hop voi gi

BHA là thành phần tẩy tế bào chết hóa học có kích thước phân tử nhỏ. Nhờ thế nên chúng có thể dễ dàng thâm nhập vào các lớp dưới của da, giúp làm sạch các loại bã nhờn, bụi bẩn, tạp chất bị tích tụ trong lỗ chân lông, từ đó giúp làm thông thoáng lỗ chân lông. BHA cũng hoạt động trên bề mặt da làm bong tróc lớp tế bào da chết tích tụ, giúp để lộ ra các tế bào da mới, khỏe mạnh, đầy sức sống. BHA tan tốt trong dầu, vì thế mà nó thường phù hợp với các làn da thiên dầu hơn. Một số làn da nhạy cảm, da khô có thể sẽ cảm thấy bị khô, căng, khó chịu khi dùng BHA

Vì lý do này, nhiều chuyên gia chăm sóc da khuyến khích sử dụng BHA với các thành phần dưỡng ẩm và phục hồi, ví dụ như Hyaluronic Acid, Niacinamide, B5…Những chất dưỡng ẩm này rất cần thiết để bổ sung vào routine đã chứa BHA. Với khả năng hút nước từ môi trường xung quanh da, bạn có thể giữ cho hàng rào bảo vệ da đủ nước và đủ khỏe mạnh để chống lại tác hại từ các gốc tự do

BHA là một hoạt chất, vì vậy nên hạn chế kết hợp nó với những hoạt chất khác, đặc biệt là những thành phần tẩy tế bào chết hóa học khác. Cụ thể:

BHA kết hợp với Niacinamide

Như đã nói ở phía trên, niacinamide là một thành phần tốt để kết hợp cùng BHA. Tuy nhiên, không giống như các thành phần có thể trộn lẫn với nhau để thoa lên da, bạn nên thoa BHA và niacinamide thành từng lớp khác nhau.

Nguyên tắc trong layer mỹ phẩm là những lớp mỹ phẩm có kết cấu mỏng trước rồi đến những loại mỹ phẩm có kết cấu dày hơn. BHA thường xuất hiện trong các sản phẩm có kết cấu mỏng như toner. Trong khi niacinamide thường có trong serum và kem dưỡng ẩm. Vì thế bạn sẽ thoa BHA lên da trước rồi đợi khoảng 20 – 30 phút rồi thoa niacinamide

BHA kết hợp với AHA

AHA là gì?

AHA hoặc Alpha Hydroxy Acids là các loại acid hòa tan trong nước có tác dụng tẩy tế bào chết. AHA có thể được tìm thấy tự nhiên trong sữa, mía, các loại trái cây,…Không chỉ có tác dụng tẩy tế bào chết mà nó còn có tác dụng cấp ẩm cho da. AHA thường được coi là nhẹ nhàng hơn so với BHA

Ở trên có nói rằng không nên kết hợp nhiều loại acid với nhau. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa BHA và AHA là trường hợp khá đặc biệt.

Bạn có thể kết hợp BHA với AHA cùng nhau mà vẫn đảm bảo an toàn cho làn da vì 2 thành phần này thực hiện các công việc khác nhau. Về bản chất, BHA phá vỡ liên kết giữa các tế bào chết, trong khi AHA làm cho tế bào chết bong ra. Vì thế, 2 thành phần này sẽ cộng hưởng với nhau tạo ra một kết quả tốt hơn rất nhiều so với việc dùng đơn lẻ từng thành phần.

Bạn có thể sử dụng những sản phẩm 2 thành phần này trong cùng 1 công thức, ví dụ như The Ordinary AHA 30% + BHA 2% Peeling Solution hay Some By Mi AHA-BHA-PHA 30Day Miracle Toner, nhưng cũng có thể sử dụng 2 sản phẩm với 2 thành phần riêng biệt.

Ví dụ, bạn có thể sử dụng các loại sữa rửa mặt chứa BHA rồi sau đó dùng toner chứa AHA (ví dụ như glycolic acid)

Nếu bạn nhận thấy bất kỳ mẩn đỏ, nhạy cảm hoặc khô quá mức, hãy dừng lại và thử sử dụng xen kẽ, tức là sử dụng AHA một ngày và BHA vào ngày tiếp theo

BHA kết hợp với Vitamin B5

Vitamin B5 là thành phần nổi tiếng trong việc phục hồi, tái tạo da tổn thương. B5 là thành phần an toàn, lành tính, có thể kết hợp được với gần như tất cả các thành phần chăm sóc da khác, trong đó có BHA.

Ngoài ra, độ pH của BHA và B5 là tương đồng nhau và tương đồng với độ pH tự nhiên của làn da. Vì thế, việc kết hợp 2 thành phần này với nhau còn giúp ổn định và tăng cường hiệu quả của cả 2.

BHA kết hợp với Hyaluronic acid

Hyaluronic acid là một trong những thành phần phổ biến nhất trong việc chăm sóc da. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước cho da và duy trì độ ẩm. Mặc dù trong tên của HA có từ “acid” nhưng đây không phải một thành phần tẩy tế bào chết hóa học. Việc kết hợp BHA với HA giúp cấp ẩm cho da và giảm nguy cơ kích ứng.

BHA là một acid mạnh, vì vậy kết hợp BHA với HA là một cách tuyệt vời để bổ sung dưỡng chất cho da, đồng thời đảm bảo rằng BHA không quá mạnh trên da

BHA kết hợp với Peptide

Trong bài viết Peptide là gì, chúng ta đã biết rằng đây là một thành phần rất tuyệt vời, có khả năng tăng cường hàng rào bảo vệ da, giảm tình trạng mất nước, chống lão hóa,…Nhờ thế mà Peptide là thành phần có thể kết hợp với BHA để làm giảm tình trạng kích ứng khi dùng acid, đồng thời giúp dưỡng ẩm và phục hồi da

BHA kết hợp với kem chống nắng

Theo một nghiên cứu về việc xác định BHA và AHA có làm gia tăng tổn thương da do tia UVB hay không, 14 tình nguyện viên đã thoa Glycolic acid (một loại AHA) và Salicylic acid (một loại BHA) trong 3 tuần rưỡi.

Theo đó, glycolic acid làm tăng độ nhạy cảm và hình thành các tế bào cháy nắng. AHA loại bỏ các lớp bảo vệ bên trên của da. Những lớp da mỏng này sau đó trở nên dễ bị tổn thương hơn bởi ánh nắng mặt trời.

Salicylic acid là một BHA hòa tan trong dầu và thường thâm nhập sâu hơn vào lỗ chân lông để loại bỏ dầu thừa và bã nhờn.

Các vị trí thử nghiệm được điều trị bằng salicylic acid không cho thấy sự gia tăng tác hại của ánh nắng mặt trời. Nghiên cứu đã thực sự chỉ ra rằng salicylic acid BHA có thể bảo vệ da.

Vì vậy, theo nghiên cứu đó thì bạn không cần phải thoa thêm kem chống nắng sau khi sử dụng BHA vì nó đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ da chứ không làm tăng tác hại của ánh nắng mặt trời. Cơ chế chính xác của salicylic acid làm giảm độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời vẫn chưa được hiểu rõ nhưng người ta tin rằng các đặc tính chống viêm của nó giúp giảm cháy nắng.

Tuy nhiên, đó chỉ là nghiên cứu riêng lẻ về việc xác định tổn thương do tia UVB khi dùng 2 loại acid khác nhau. Còn trong thực tế, bạn nên dùng kem chống nắng hằng ngày cho dù có sử dụng sản phẩm chăm sóc da nào đi nữa.

BHA không nên kết hợp với gì?

BHA kết hợp với vitamin C được không?

Bạn không nên kết hợp BHA và vitamin C trong cùng một lúc. Vì 2 thành phần này đều là những thành phần mạnh, việc kết hợp chúng cùng một lúc có thể dẫn đến tình trạng kích ứng, mẩn đỏ, bong tróc và có thể gây nổi mụn. Ngoài ra, vitamin C là thành phần không ổn định, khi kết hợp vitamin C cùng với acid sẽ khiến hoạt chất mất cân bằng độ pH và không còn tác dụng.

Nếu bạn muốn sử dụng cả 2 thành phần này thì vẫn có cách, đó là dùng xen kẽ thời gian trong ngày hoặc dùng cách ngày từng loại.

Vitamin C chứa nhiều chất chống oxy hóa nên nó rất thích hợp để dùng buổi sáng. Làn da của bạn sẽ được bảo vệ khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường như tia UV, ô nhiễm, khói bụi,…
Trong khi đó bạn có thể dùng BHA vào buổi tối để phát huy hiệu quả tối đa quá trình tẩy tế bào chết

BHA kết hợp với Retinol được không?

Cả BHA và retinol đều là những thành phần active mạnh và có thể khiến là da trở lên nhạy cảm hơn. Việc kết hợp cả 2 thành phần này lên da cùng lúc có thể khiến da trở lên nhạy cảm quá mức và kích ứng. Đồng thời, khi dùng BHA và retinol cùng lúc, hiệu quả của những hoạt chất này có thể bị mất đi.

Không chỉ BHA và tất cả các loại acid khác đều không nên sử dụng cùng 1 ngày với retinol. Nếu bạn muốn dùng cả BHA và retinol trong chu trình chăm sóc da thì bạn phải dùng cách ngày 2 thành phần này ra. Ví dụ như hôm nay dùng BHA thì ngày mai mới dùng retinol, và ngược lại.

BHA kết hợp với Benzoyl Peroxide được không?

Một nguyên tắc trong việc kết hợp các thành phần chăm sóc da đó là: bạn không nên kết hợp các hoạt chất tẩy da chết với nhau (cả tẩy tế bào chết vật lý và hóa học)

Benzoyl Peroxide cũng là một thành phần tẩy tế bào chết hóa học tương tự như BHA nên khi dùng 2 thành phần này cùng lúc, da có thể gặp tình trạng tẩy tế bào chết quá mức. Tình trạng này có thể khiến lớp sừng trên da bị yếu đi, từ đó da sẽ mất nước nhanh hơn. Các chất kích ứng có thể thấm sâu hơn vào lớp thượng bì, khiến da lên mụn hoặc nghiêm trọng hơn là bị viêm da tiếp xúc.

Vì vậy, bạn không nên kết hợp BHA với Benzoyl Peroxide.

Tuy nhiên, có một số loại thuốc kê đơn có chứa cả benzoyl peroxide và salicylic acid. Tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ da liễu nếu bạn muốn kết hợp hai loại này.

BHA kết hợp với Adapalene được không?

Adapalene là thế hệ 2 của Retinoids, tương tự như retinol. Vì vậy, bạn cũng không nên kết hợp 2 thành phần này với nhau

BHA kết hợp với Azelaic acid được không?

Paul Jarrod Frank , MD, bác sĩ da liễu thẩm mỹ và là người sáng lập PFRANKMD , cho biết azelaic acid là một chất tẩy tế bào chết nhẹ nhàng hơn các alpha hydroxy acids (AHAs) khác , bao gồm glycolic, lactic và mandelic acids . Frank không khuyến khích sử dụng azelaic acid với Beta Hydroxy Acids (BHA) như axit salicylic vì cả BHA và AHA đều sẽ làm tăng nguy cơ khô da và kích ứng.

Như vậy, có thể thấy bạn không nên kết hợp Azelacic acid và BHA trong cùng một lúc.

Trên đây câu trả lời cho câu hỏi “BHA nên kết hợp với gì”. Hãy nhớ rằng adamvietnam luôn sẵn sàng trả lời mọi thắc mắc của bạn trong phần comment hoặc bạn có thể inbox trực tiếp cho fanpage của website nhé.

Default image
ADAMVIETNAM Team

ADAMVIETNAM Team được thành lập từ 02/2019. Từ đó đến nay, chúng mình đã liên tục phát triển để mang tới những nội dung chất lượng nhất tới độc giả. Hiện tại, team là tập hợp của các Reviewer, Beauty Blogger, Makeup Artist và cả các chuyên gia da liễu. Sứ mệnh của adamvietnam.net rất đơn giản, đó là giúp bạn luôn tự tin với vẻ ngoài của mình.

Leave a Reply