Isotretinoin được coi là trùm cuối trong các phương pháp trị mụn. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp tái phát mụn sau khi uống isotretinoin. Bài viết của ADAMVIETNAM sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về Isotretinoin là phác đồ điều trị mụn bằng Isotretinoin. Cùng xem nhé!
- Bị mụn lưng xem ngay bài viết review các loại XÀ PHÒNG TRỊ MỤN LƯNG
Mục Lục
1. Isotretinoin là gì?
1.1 Khái niệm
Isotretinoin là thuốc gì?
Isotretinoin, còn được gọi là 13-cis-retinoic acid và được bán dưới tên thuốc là Accutane hoặc Acnotin hoặc một vài tên thuốc phổ biến khác. Đây là một loại thuốc chủ yếu được sử dụng để điều trị mụn trứng cá nặng.
Nó cũng được sử dụng để ngăn ngừa một số bệnh ung thư da (ung thư biểu mô tế bào vảy) và trong một số bệnh ung thư khác. Nó là một chất thuộc họ Retinoid, có nghĩa là nó có liên quan đến vitamin A.
Isotretinoin đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt dưới dạng viên nang uống vào tháng 5 năm 1982 để điều trị mụn nặng, dai dẳng và khó chữa. Theo thời gian, Isotretinoin đã được chứng minh là một bước đột phá lớn để điều trị các trường hợp mụn viêm nghiêm trọng
1.2 Cơ chế hoạt động của Isotretinoin
Cơ chế hoạt động cụ thể của Isotretinoin vẫn chưa rõ, tuy nhiên khi được sử dụng để trị mụn thì Isotretinoin có thể tác động trực tiếp/ gián tiếp đến cả 4 yếu tố chủ yếu hình thành nên mụn là:
- Tăng sản xuất bã nhờn
- Thay đổi của quá trình sừng hóa, tăng sừng hóa của nang lông
- Viêm
- Vi khuẩn Cutibacterium acnes (C.acnes) (trước đây là Propionibacterium acnes – P.acnes) xâm chiếm nang lông
Trong đó, khả năng làm giảm tuyến dầu là dễ thấy và cũng quan trọng nhất. Với liều 0,5–1,0 mg / kg / ngày, isotretinoin làm giảm đáng kể sự bài tiết bã nhờn tới 90% trong vòng 6 tuần.
Thuốc Isotretinoin dạng uống không có tác dụng kháng khuẩn trực tiếp, nhưng bằng cách làm giảm đáng kể khả năng tiết dầu cũng như kích thước của ống dẫn bã nhờn, nó làm thay đổi môi trường vi sinh trong tuyến dầu, từ đó môi trường ít thuận lợi cho sự xâm chiếm của P.acnes. Kết quả là nó hạn chế sự sinh sôi của P.acnes nhiều hơn cả tác dụng của kháng sinh bôi và uống Ngoài ra, Isotretinoin dạng uống cũng có tiềm năng giảm số P.acnes kháng thuốc.
Bên cạnh đó, thuốc Isotretinoin còn có tác dụng tiêu cồi mụn, chống viêm và các tác dụng miễn dịch liên quan đến trị mụn. Tuy vậy, các cơ chế mà Iso ảnh hưởng đến cơ thể để kéo dài thời gian không tái phát mụn chưa được hiểu rõ hoàn toàn
1.3 Tác dụng của Isotretinoin
Trị mụn
Mặc dù ban đầu được phát triển để chữa bệnh ung thư da, nhưng các nhà nghiên cứu khám phá được công dụng trị mụn hiệu quả của nó.
Hầu hết bệnh nhân trị mụn bằng isotretinoin đường uống sẽ hết mụn khi kết thúc đợt điều trị trong 4-6 tháng tùy thuộc vào liều lượng sử dụng.
Theo nghiên cứu của Leyden và các cộng sự năm 1984 về liều dùng của Isotretinoin, cả 3 nhóm sử dụng 3 liều dùng isotretinoin khác nhau – thấp/vừa và cao
Kết quả là 100% bệnh nhân đều hết mụn, mặc dù thời gian điều trị có hơi khác nhau do một số bệnh nhân hết mụn sớm (16 tuần – 20 tuần).
Cụ thể về liều dùng hàng ngày, liều dùng tích lũy, khả năng tái phát sẽ được đề cập cụ thể hơn ở bên dưới.
Các tác dụng khác của isotretinoin
Ngoài trị mụn, Isotretinoin còn được sử dụng đơn lẻ/ kết hợp với các dược phẩm khác để hỗ trợ trong các bệnh khác như:
- Hỗ trợ điều trị bệnh Bạch sản (leukoplakia) với liều cao và có thể duy trì với liều thấp, từ đó ngăn ngừa tiến triển thành ung thư vùng họng
- Hỗ trợ điều trị bệnh Khô da sắc tố (Xeroderma Pigmentosum) và từ đó ngăn ngừa phát triển ung thư da và một số bệnh khác
1.4 Tại sao nên sử dụng isotretinoin sớm?
Tại sao nên sử dụng isotretinoin (accutane) sớm?
Nhiều nghiên cứu gợi ý rằng việc sử dụng ISO nên được bắt đầu “sớm hơn là muộn” ở nhiều bệnh nhân mụn trứng cá, thay vì được xem như phương pháp điều trị cuối cùng vì một số nguyên nhân sau:
1. Isotretinoin chữa được nhiều loại mụn, các biến thể của mụn: Isotretinoin có thể chữa hiệu quả mụn nodular cũng như mụn viêm không hình thành nốt sần và cũng như ngày càng được ứng dụng nhiều để chữa mụn nhẹ – vừa bằng liều thấp.
Bên cạnh đó, nó cũng chữa được các biến thể mụn như mụn trứng cá fulminans (acne fulminans), rosacea fulminans, viêm nang lông do vi khuẩn Gram âm (Gram-negative folliculitis), hidradenitis suppurativa và mụn trứng cá conglobata (Mụn trứng cá kết cụm)
2. Isotretinoin hiệu quả trong việc ngăn ngừa sẹo mụn: Nhiều nghiên cứu ủng hộ việc sử dụng isotretinoin cho mụn trứng cá nặng và có sẹo, do đó việc trì hoãn liệu pháp hiệu quả này có thể gây ra sự tiến triển của sẹo mụn do kéo dài thời gian điều trị.
Thậm chí với mụn trứng cá vừa thì các chuyên gia cũng ủng hộ việc dùng isotretinoin do mụn dạng vừa cũng có 30% để lại sẹo và có thể gây ra ảnh hưởng tâm lý đáng kể ở 12 – 13% trường hợp mắc bệnh
Tuy nhiên, có một số dạng mụn mà isotretinoin không có hiệu quả/hiệu quả thấp nên nếu bác sĩ không thăm khám kỹ thì sẽ dẫn đến việc điều trị dai dẳng – trong khi có nhiều giải pháp chữa trị khác hiệu quả hơn. Hãy đọc tiếp bên dưới để xem đó là dạng mụn gì nhé.
1.5 Trường hợp Isotretinoin kém hiệu quả
Một số trường hợp mà isotretinoin không có hiệu quả/ hiệu quả thấp
1. Một số trường hợp dù là mụn sưng viêm nốt sần nặng nhưng isotretinoin vẫn có khả năng không hiệu quả. Trong trường hợp đó, Dapsone (một dạng kháng sinh đường uống) là một liệu pháp thay thế khá tốt
2. Mụn gây ra do Demodex
Viêm da do demodex là bệnh gây ra do một ký sinh trùng trên da và nhìn giống như mụn. Không có nhiều thông tin về việc isotretinoin có thể hỗ trợ trong trường hợp này, mặc dù có mối quan hệ gián tiếp là isotretinoin có thể chữa được Granulomatous Periorificial Dermatitis – một dạng viêm da có thể bắt nguồn từ demodex.
Trong trường hợp này, Ivermectin – một loại thuốc trị nhiễm ký sinh trùng – là một giải pháp thay thế hiệu quả hơn. Sau khi điều trị không hiệu quả với isotretinoin thì Ivermectin lại giúp cải thiện tình trạng đáng kể.
3. Mụn nấm (Malassezia (Pityrosporum) folliculitis)
Mụn nấm sẽ tệ hơn với liệu pháp trị mụn thông thường và hiệu quả hơn với các liệu pháp kháng nấm. Các liệu pháp thông thường trị mụn như isotretinoin, tetracycline và benzoyl peroxide không hỗ trợ điều trị mụn nấm. Và thực tế thì việc sử dụng kháng sinh đường uống như tetracycline có thể khiến mụn nấm nặng hơn
Có một số phương pháp khác hỗ trợ mụn nấm tốt hơn, ví dụ như kháng sinh trị nấm đường uống + bôi nên nếu gặp phải loại mụn này thì không cần đến việc sử dụng isotretinoin.
Để phân biệt bạn có phải bị loại mụn này không thì bạn có thể đi khám bác sĩ và nhờ bác sĩ chẩn đoán hoặc thực hiện kiểm tra bằng cách lấy mẫu da, và tốt hơn là hãy lấy nhân mụn của một nốt mụn để kiểm tra vi khuẩn nấm ở nang lông nhiều hơn là ở trên bề mặt da.
Hoặc một cách khác là sử dụng blacklight để kiểm tra da. Nếu các nốt mụn sáng lên màu đỏ cam-san hô thì đó là mụn do vi khuẩn, còn nếu mụn có màu xanh dương-trắng-vàng thì đó là do nấm men. Hoặc bạn có thể nặn một nốt mụn ra để soi. Tốt nhất bạn hãy để bác sĩ làm điều này vì họ có thiết bị chuẩn hơn
4. Mụn do viêm da tiếp xúc dị ứng
Không có nhiều thông tin cụ thể về việc isotretinoin có thể chữa viêm da tiếp xúc dị ứng, và thực tế khi uống iso cũng có thể gây ra viêm da tiếp xúc. Cũng có trường hợp ghi nhận sau khi uống isotretinoin thì phát triển viêm da dị ứng với nickel
Do đó, nếu mụn của bạn là mụn do viêm da tiếp xúc dị ứng thì isotretinoin không phải là một lựa chọn tốt. Lúc này, hãy ngừng sản phẩm gây dị ứng và đi khám bác sĩ để được kê toa các loại thuốc kháng sinh cộng với thuốc dị ứng để nhanh khỏi hơn.
5. Mụn do tụ khuẩn cầu tụ khuẩn cầu vàng (Staphylococcus aureus)
Tụ khuẩn cầu (Staphylococcus) có thể là một nguyên nhân gây mụn tiềm ẩn. Theo nghiên cứu thì ở trong da người khỏe mạnh và trong da người bị mụn đều có P. acnes, trong khi đó chỉ ở da người mụn mới có tụ khuẩn cầu, tạo nên nghi vấn về vai trò của nó trong mụn.
Nghiên cứu của Khorvash và các cộng sự kết luận rằng việc tụ khuẩn cầu vàng Staphylococcus aureus có thể là tác nhân gây mụn hay không vẫn chưa rõ, do thực tế khi tiến hành test trên 324 người chia làm 2 nhóm bị mụn và không bị mụn thì tụ khuẩn cầu vàng có mặt ở 21,7% người trong nhóm bị mụn và 26,6% người ở nhóm khỏe mạnh. Do đó, vấn đề này vẫn đang gây tranh cãi.
Isotretinoin không phải là một giải pháp hiệu quả trong trường hợp này, bởi vì isotretinoin thực tế có khả năng gây ra viêm tụ khuẩn cầu sau khi dùng một thời gian
2. Phác đồ điều trị bằng Isotretinoin
Tiếp theo, hãy cùng adamvietnam.net tìm hiểu phác đồ điều trị mụn bằng isotretinoin hiệu quả nhé
2.1 Liều lượng Isotretinoin
Theo Dr. Dray – một bác sĩ da liễu ở Mỹ thì mục tiêu khi uống isotretinoin là phải đạt ngưỡng liều tích lũy là khoảng 120 – 140 mg/kg. Để đạt được điều này, thường bạn sẽ phải uống liều hàng ngày từ 0,5mg – 1mg/ kg trong 4 – 6 tháng.
a. Liều bắt đầu
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc bùng phát mụn rõ rệt trong tháng đầu tiên với nhiều mụn nodule và mụn viêm sâu là khá phổ biến khi điều trị isotretinoin bắt đầu ở liều 1mg/kg/ngày.
Mặc dù sau đó các đợt bùng phát này có thể được kiểm soát, liều dùng ban đầu giảm ở mức 0,5mg/kg/ngày được đề xuất để ngăn chặn khả năng bùng phát các đợt mụn này và đã được chứng mình là rất thành công
b. Tần suất dùng thuốc
Bạn có thể thắc mắc rằng ví dụ liều hàng ngày của bạn là 60mg thì bạn nên chia 2 lần uống 30mg/ lần hay uống 1 lần?
FDA quy định rằng isotretinoin dùng với liều 2 lần mỗi ngày. Quy định này được FDA chấp thuận dựa trên dữ liệu dược động học của thuốc vào năm 1982. FDA mong muốn đạt được nồng độ thuốc trong huyết tương ở trạng thái ổn định và tránh sự dao động về nồng độ đỉnh và đáy của thuốc.
Nồng độ tối đa trong huyết tương (Cmax) sẽ cao hơn khi dùng liều duy nhất so với liều chia thành 2 lần uống mỗi ngày, và Cmax có thể ảnh hưởng đến tác dụng phụ lớn hơn của thuốc. Dù vậy, sự khác biệt giữa tần suất sử dụng thuốc ảnh hưởng đến mức độ đáp ứng thuốc hay tác dụng phụ vẫn chưa được nghiên cứu kỹ. Một số bác sĩ da liễu lại ưa thích phương pháp uống 1 lần mỗi ngày vì họ cho rằng bệnh nhân sẽ tuân thủ tốt hơn là chia thành 2 liều mỗi ngày
c. Liều dùng tối ưu
Mặc dù có nhiều liều dùng được công bố thông qua các nghiên cứu khoa học, liều dùng tối ưu được đề nghị dựa theo nhiều nghiên cứu cũng như thực hành lâm sàng là 0,5mg/kg/ngày ở tháng đầu để giảm tình trạng mụn bùng phát ban đầu khi sử dụng isotretinoin (rất thường xảy ra nếu bạn có mụn liti nhỏ sẵn ở trên da).
Sau đó khi đáp ứng thuốc tốt sẽ tăng lên 1mg/kg/ngày và được duy trì trong suốt quá trình điều trị, trừ khi các tác dụng phụ ngoài ý muốn xảy ra thì liều lượng sẽ được điều chỉnh giảm xuống. Nếu tuân thủ đúng liều này thì bạn sẽ đạt mức 135 mg/kg sau khoảng 20 tuần điều trị (5 tháng) – cũng là thời gian điều trị tối ưu được FDA hướng dẫn
Nếu bạn uống liều thấp hơn thì tỷ lệ tái phát cao hơn tuy vậy thì sẽ ít gặp tác dụng phụ hơn
Ngoài liều dùng này, một số nghiên cứu đã thử nghiệm với liều dùng cao hơn hoặc thấp hơn và đã được tổng hợp bên dưới
- isotretinoin liều cao
Việc sử dụng liều dùng cao hơn mức quy định (> 1mg/kg/ngày) và đặt tổng liều tích lũy cao hơn 150mg/kg cũng trong thời gian điều trị thông thường là 5 tháng sẽ giúp bệnh nhân ít có nguy cơ tái phát, mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu lớn chứng minh được điều này.
Một nghiên cứu hồi cứu ở những bệnh nhân được điều trị với isotretinoin bị mụn trứng cá dạng nodular cystic (số quan sát = 80) cho thấy rằng isotretinoin liều cao (≥ 1,3mg/kg/ngày) cho thấy 100% hết bệnh và có 12,5% bệnh nhân cần một đợt điều trị bổ sung trong 3 năm sau đó. Tổng liều tích lũy trong trường hợp này là 290mg/kg.
- isotretinoin liều thấp
Uống isotretinoin giảm liều đã đạt được kết quả thành công ở người trường thành bị mụn trứng cá dai dẳng và khởi phát muộn. Những người này uống isotretinoin với liều lượng 0,5mg/kg/ngày trong 1 tuần mỗi tháng và trong 6 tháng.
91% bệnh nhân sạch mụn theo cách điều trị này, tuy vậy tỷ lệ tái phát rất thường xuyên. Hơn thế nữa, một số bệnh nhân do không chấp nhận mụn tái phát đã trở nên rất phụ thuộc vào thuốc và mong muốn duy trì thuốc trong nhiều năm với liều lượng thấp.
Các nhà nghiên cứu không rõ liệu cách tiếp cận này có dẫn đến tác dụng phụ lâu dài hay không và mặc dù chưa có thông tin đáng ngại nào liên quan đến vấn đề này, điều này rõ ràng đi ngược lại khuyến nghị sử dụng và không được coi là phù hợp đối với các bệnh nhân nữ trong độ tuổi sinh sản.
2.2 Mụn tái phát sau khi dùng Isotretinoin và liều dùng
Isotretinoin có thể giúp giảm, sạch mụn trong một thời gian dài, thậm chí là vĩnh viễn ở một số bệnh nhân.
Tuy vậy, vẫn có nhiều nghiên cứu báo cáo về việc tái phát bệnh và cần phải điều trị lại với isotretinoin và có mối tương quan trực tiếp giữa thời gian sạch mụn với việc liều dùng isotretinoin ban đầu và việc đạt ngưỡng tổng liều tích lũy isotretinoin đã sử dụng trong lần đầu tiên.
Có nghĩa là nếu liều dùng isotretinoin lần đầu của bạn tốt, tuân thủ tổng liều tích lũy đạt khoảng 120mg/kg – 150mg/kg thì thời gian tái phát mụn của bạn sẽ rất lâu và có thể không tái phát
Một nghiên cứu phân tích 193 bệnh nhân điều trị bằng isotretinoin với thời gian theo dõi lên đến 10 năm sau điều trị cho thấy rõ mối tương quan giữa tổng liều tích lũy đến khả năng tái phát mụn và nhu cầu điều trị mụn tiếp tục sau đó. Liều dùng tích lũy của các bệnh nhân bị tái phát và yêu cầu trị mụn sau đó là 103,5mg/kg trong 6.7 tháng. Nhóm bệnh nhân không tái phát mụn trong 10 năm đã sử dụng liều 118,5mg/kg trong 7.41 tháng.
Mặc dù có một vài nghiên cứu báo cáo kết quả điều trị thành công với liệu pháp Isotretinoin liều thấp đối với mụn trứng cá dai dẳng, thấp hơn 120mg/kg (trung bình các nghiên cứu này là 81 mg/kg), phần lớn số liệu có sẵn có thấy rằng phương pháp này sẽ làm tăng đáng kể khả năng mụn tái phát và điều trị lặp lại
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng được xem xét là tăng khả năng mụn tái phát là: độ tuổi sử dụng isotretinoin lần đầu (sử dụng càng sớm thì sẽ càng có nguy cơ tái phát), giới tính nam (nam dễ tái phát hơn nữ), thừa androgen… May mắn là, thường mụn đã được chữa trị bằng iso thì vẫn đáp ứng tốt trong các đợt điều trị tiếp theo
Tuy vậy, khi tái phát thì không có nghĩa là mụn sẽ tương tự hoặc nặng hơn. Mụn có thể tái phát khác hơn so với lần đầu cả về mức độ nghiêm trọng và loại mụn. Bên cạnh đó, may mắn là, không có báo cáo về độc tính tích lũy do sử dụng các liệu trình lặp lại
Ngoài ra, thời gian chữa trị kéo dài quá hơn mức khuyến nghị là 20 tuần (5 tháng) cũng dễ dẫn đến tái phát mụn hơn
Tái phát có thể được giảm thiểu bằng việc trị liệu với liều dùng ít nhất là 120mg/kg (Để rõ ràng hơn, không phải liều càng cao càng tốt (như thông tin phần iso liều cao ở trên), chỉ cần đạt ngưỡng xấp xỉ 120mg – liều tích lũy được nghiên cứu và chứng minh là ít tái phát nhất – là được)
Do đó, bạn đừng đặt nặng quá vấn đề liều cao vì chỉ cần thời gian điều trị hợp lý (5 tháng), liều hàng ngày 0,5mg – 1mg/kg thì bạn có thể đặt được mức 120mg/kg
2.3 Tác dụng phụ của Isotretinoin
Isotretinoin có nhiều tác dụng phụ nhưng hầu hết đều có thể dự đoán được và hiếm khi cản trở việc quản lý bệnh nhân khi dùng thuốc.
Các tác dụng phụ thường gặp trên da phụ thuộc vào liều lượng và có thể dung nạp được bằng cách thay đổi liều lượng và/hoặc điều trị triệu chứng bổ sung bằng các loại thuốc kèm theo.
Đa số tác dụng phụ của isotretinoin khá phổ biến và có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng nên mình sẽ không đề cặp chi tiết ở đây (bạn có thể xem thêm ở đây).
Một số tác dụng phụ phổ biến nhất là da khô, môi khô bong tróc, khô mắt và những dấu hiệu khô da này là dấu hiệu cho bác sĩ biết bạn có tuân thủ liều hay không.
Tác dụng phụ nguy hiểm nhất của Isotretinoin là khả năng gây ra sẩy thai và để con quái thai, dị dạng nếu mẹ mang thai lỡ sử dụng isotretinoin. Các quốc gia ở Châu u và Mỹ đều có các chương trình quản lý sức khỏe của phụ nữ sử dụng isotretinoin trong độ tuổi có thể mang thai, ví dụ như chương trình iPLEDGE của Mỹ.
Các chương trình này chủ yếu quản lý việc dùng thuốc với các biện pháp như: Phải xét nghiệm âm tính với que thử thai hai lần trong 1 tháng trước khi bắt đầu dùng thuốc. Trong thời gian dùng thuốc không được hiến máu, trước mỗi đợt cấp thuốc mới (mỗi đợt thuốc chỉ vừa đủ dùng 1 tháng) phải xét nghiệm âm tính với que thử thai lần nữa…..
Đối với bà bầu, muốn trị mụn hãy tham khảo những loại kem trị mụn cho bà bầu an toàn này
Xem thêm:
4. Một số lưu ý khi sử dụng isotretinoin
Chế độ ăn uống khi sử dụng thuốc
Iso bản chất là chất ưa béo và được phân loại là thuốc có tính thấm cáo với độ hòa tan thấp, nên sự hấp thụ qua đường tiêu hóa sẽ được tăng cường bằng cách hòa tan isotretinoin bằng chất béo trong chế độ ăn.
Các nghiên cứu dược động học cho thấy rằng sự hấp thu có thể tăng gấp đôi khi dùng isotretinoin cùng hoặc sau bữa ăn so với dùng thuốc lúc đói. Tuy vậy khi sử dụng ISO thì mức độ mỡ trong máu có thể tăng nên có thể chỉ cần ăn mỡ trong các bữa uống isotretinoin, còn các buổi khác trong ngày nên hạn chế mỡ.
Một số lưu ý khác
- Hãy dùng kem chống nắng bởi vì bạn có nguy cơ bị cháy nắng cao hơn khi bạn đang dùng isotretinoin
- Nên kiêng dùng các chất có cồn bởi vì sẽ làm giảm hiệu quả của isotretinoin.
- Tránh bổ sung thực phẩm chức năng chứa vitatmin A cùng với isotretinoin bởi vì có thể gây ra các tác dụng phụ gây độc
- Không nên dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi
- Sau khi sử dụng isotretinoin, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc can thiệp các liệu pháp trị sẹo hay peel bởi vì khi sử dụng isotretinoin thì khả năng lành vết thương sẽ bị giảm đáng kể. Đồng thời, theo Dr. Dray thì việc can thiệp trị sẹo nên diễn ra sau khi dùng isotretinoin 1 năm và đối với peel là 6 tháng
3. Nghiên cứu isotretinoin tại Châu Á
Đa phần các thông tin trên đều được nghiên cứu ở các bệnh nhân ở châu Au hoặc Mỹ, vậy thì đối với các bệnh nhân ở Việt Nam ta, với sự khác biệt về thể chất, khí hậu,… thì có thay đổi gì hay không?
Theo bác sĩ Hiếu thì người Việt Nam không thể theo đuổi phác đồ điều trị bằng isotretinoin kéo dài.
Khi dùng isotretinoin lâu dài thì men gan tăng và mỡ trong máu cũng tăng. Thể trạng người phương Tây khỏe hơn, chức năng gan, thận tốt hơn nên có thể dùng với liều cao và dài ngày, còn người Việt thì thể trạng sức khỏe thường không tốt bằng nên sau khi dùng 3 – 4 tháng thì men gan, mỡ máu tăng rõ rệt nên thường phải ngừng dùng.
Một nghiên cứu về sử dụng Iso ở Việt Nam năm 2019 của Đại học Y dược HCM thì nói rằng việc sử dụng Iso có thể gây ra tăng homocysteine máu và giảm nồng độ folic acid trong huyết thanh, có thể là nguy cơ gây bệnh tim mạch và huyết khối (thrombosis), cũng như các chứng loạn thần (psychosis) nên đã thực hiện đánh giá hiệu quả của liều thấp đối với các giá trị này.
Kết quả cho thấy isotretinoin liều thấp (< 0.5 mg/kg/ngày) giảm mụn và không thay đổi đáng kể homocysteine máu và folic acid trong huyết thanh và các chỉ số đều ở ngưỡng an toàn.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu ở Malaysia với 150 bệnh nhân được điều trị bằng isotretinoin với liều 10mg hàng ngày cho đến liều tích lũy 90-110 mg/kg cho thấy sau 24 tuần điều trị, tất cả bệnh nhân đều sạch mụn với tỷ lệ tăng men gan và mỡ máu khá thấp, lần lượt là 3,3% và 2,7% (24 tuần là thời gian sạch mụn, vẫn tiếp tục duy trì cho đến khi đạt liều 90-110 mg/kg). Có 4% tái phát nhẹ và thời gian trung bình tái phát là 32,3 tuần (khoảng 8 tháng).
4. Kết luận
Liều dùng
- Liều theo đúng các nghiên cứu: 120mg – 150mg, tuy vậy 120mg là mức độ khá an toàn để đảm bảo hoàn toàn sạch mụn và tránh tái phát.
- Liều thấp: Có thể bắt đầu với liều thấp để cơ thể quen dần với thuốc, sau đó tăng liều lên theo hướng dẫn của bác sĩ
Lưu ý khi dùng thuốc
Khi đã quyết định dùng Isotretinoin, hãy quyết tâm kiên trì đến cùng và nghe theo lời bác sĩ, vì 100% bạn sẽ khỏi mụn nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị bằng isotretinoin. Để tránh tái phát, nên ghi nhớ:
- Tuân thủ đúng liều, uống đủ liều, tốt nhất là hãy cố gắng đạt mức liều tích lũy 120mg/kg nếu có thể
- Để tránh tác dụng phụ dẫn đến phải ngưng thuốc, cố gắng thay đổi thói quen ăn uống lành mạnh hơn trong giai đoạn đó, uống nhiều nước, có thể đề nghị với bác sĩ chủ động uống giải độc gan; các bữa ăn có uống thuốc thì có thể ăn hơi dầu mỡ tí để thuốc hấp thụ tốt, tuy nhiên bữa trưa nên ăn rau củ quả để tránh lượng mỡ trong máu tăng cao. Tập thể dục điều độ, ngủ nghỉ đủ giờ nhé bạn
Xem thêm:
- Trị mụn bằng azelaic acid – an toàn hơn
- Squalane oil – dầu dưỡng an toàn
em chào bác sỹ, bác sỹ cho em hỏi là trong quá trình mình sử dụng thuốc isotreatinoin thì có đồng thời sử dụng các biện pháp xâm lấn khác trên da được không ?
ví dụ như: lăn kim hoặc peel da
em cảm ơn ạ
không nên bạn nhé, vì isotretinoin sẽ làm giảm khả năng làm lành vết thương khá nhiều
dùng bha 2% khi đang uống được không ạ
Có thể dùng các loại BHA 2% khi đang uống iso được bạn nhé. Nhưng nếu BHA >2% thì không nên ạ