Tất Tần Tật Về Cách Trị Mụn: Đừng Để Kiến Thức Rác Đánh Lừa

Xin chào các bạn, hôm nay chúng ta hãy cùng tìm hiểu một trong những vấn đề về da được quan tâm nhất – cách trị mụn. Mụn là một bệnh lý phổ biến và ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bệnh nhân, đặc biệt là sức khỏe tâm lý của họ, và đã có một số trường hợp bệnh nhân có thể nghĩ đến việc tự tử 🙁 [1,2,3]. Do vậy, hôm nay hãy cùng mình tìm hiểu các khía cạnh của mụn và một số biện pháp trị mụn nhé!

Trước khi tìm hiểu một số thông tin về bệnh lý của mụn, hãy cùng lướt qua một số thông tin về ảnh hưởng của mụn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân:

– Mức độ phổ biến [1]:

+ Mụn ảnh hưởng khoảng 85% các bạn thanh thiếu niên độ tuổi 12 – 25 ở Mỹ

+ Trên mức độ toàn cầu, mụn ở vị trí thứ 8 về tỷ lệ phổ biến và được báo cáo là có tỷ lệ cao nhất ở Tây u, Bắc Mĩ và Nam Mỹ Latinh

– Mức độ ảnh hưởng [1, 2, 4]:

+ Khuôn mặt thường là điều được để ý đầu tiên của một người, do đó mụn có thể ảnh hưởng đến không chỉ tâm lý của người bệnh mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của những người khác về họ.

+ Những thanh thiếu niên và người trưởng thành bị mụn có tỷ lệ cao hơn về các triệu chứng tâm lý như lo lắng, đặt giá trị bản thân thấp và có thể dẫn đến trầm cảm. Các ảnh hưởng tâm lý tiêu cực này của mụn có thể kéo dài rất lâu dài và đặc biệt có hại đến sự phát triển tâm lý của thanh thiếu niên khi mụn thường bùng phát vào tuổi dậy thì.

+ Điều đáng lo ngại là mụn có thể gây nên một số tình trạng bất thường trong tâm lý như: trầm cảm, ý định tự tử, lo lắng, xấu hổ, bối rối, triệu chứng tâm thần, ức chế xã hội (và thường giảm đi khi họ hết mụn)

+ Ngoài ra, những người trưởng thành với tình trạng mụn nặng thường có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn các bạn đồng trang lứa nhưng không bị mụn

  • Mụn ảnh hưởng tâm lý của người bệnh và có ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của người khác về họ

Tuy vậy, một số bác sĩ lại xem đây là một tình trạng bình thường [2] và điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh. Tuy vậy, như đã đề cập ở trên, các vấn đề về sức khỏe tâm lý sẽ cải thiện nếu tình trạng bệnh cải thiện, do đó các bạn bị mụn hãy cố gắng suy nghĩ tích cực, dành nhiều thời gian hơn tìm hiểu thông tin và lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da cẩn thận để có thể cải thiện tình trạng mụn nhé.

2. Bệnh lý của mụn

Theo một số tài liệu mình lược khảo, cơ chế sinh bệnh mụn bao gồm rất nhiều yếu tố liên quan, trong đó đa phần đều đồng ý có 4 yếu tố chính là [1,2,3]:
 

– Tăng sản xuất bã nhờn

– Thay đổi của quá trình sừng hóa, tăng sừng hóa của nang lông

– Các chất trung gian gây viêm

– Vi khuẩn Cutibacterium acnes (C.acnes) (trước đây là Propionibacterium acnes – P.acnes) xâm chiếm nang lông

Các sự kiện sinh lý bệnh được mô tả cơ bản như sau [3]: Tổn thương bắt đầu khi các tế bào sừng lót trong nang lông bong ra tạo ra một microcomedone. Ở tuổi dậy thì, bã nhờn tăng lên tạo ra một môi trường thuận lợi cho C.acnes sinh sôi nảy nở. Khi C.acnes tăng sinh, các chất trung gian gây viêm và hóa chất được tạo ra và từ đó thúc đẩy quá trình viêm

Tuy vậy, trình tự chính xác của các yếu tố này và cách chúng và các yếu tố khác tương tác vẫn chưa rõ ràng [2]. Vai trò chính xác của vi khuẩn ví dụ như C.acnes (P.acnes) trong có chế sinh bệnh mụn trứng cá vẫn là chủ yếu là suy đoán. Ngoài ra, dịch tễ học của bệnh chưa được biết đến nhiều [3] cũng như các yếu tố nguy cơ và các yếu tố liên quan đến gen vẫn còn cần nghiên cứu thêm [1,2].

Mặc dù có những giả thuyết đặt ra về sự tương tác của các yếu tố này trong việc hình thành nên mụn nhưng những kiến thức đó khá hàn lâm và chuyên sâu và sẽ làm bài dài ra nhiều nên mình sẽ đăng vào một dịp khác nhé

 

cách trị mụn
Hình 1. Nang bã nhờn bình thường (A), hình thành comedo (B), tổn thương mụn viêm với và tổn thương mụn trứng cá viêm với vỡ thành nang và viêm thứ phát [2]

3. Những nguyên nhân gây mụn khác

Chính xác điều gì gây ra mụn và cách điều trị ảnh hưởng đến tiến trình của bệnh như thế nào thì vẫn chưa rõ ràng [2, 3], tuy vậy ngoài 4 nguyên nhân ở trên thì có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của mụn.

  • Một số yếu tố khác ảnh hưởng đến mụn là: di truyền, nội tiết, stress, hút thuốc, khí hậu

 Một số yếu tố nguy cơ phát triển mụn trứng cá được nêu ra là [1]: Tiền sử gia đình bị mụn trứng cá nặng, hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic ovary syndrome – PCOS), hội chứng chuyển hóa và một số tình trạng di truyền hiếm gặp (ví dụ: hội chứng Apert).

– Bên cạnh đó, các nghiên cứu liên quan đến các cặp song sinh đã chỉ ra rằng mụn trứng cá có khả năng di truyền cao, với 81% sự khác biệt về mụn của dân số là do yếu tố di truyền. Tỷ lệ bài tiết chất nhờn và sự hiện diện của mụn trứng cá có sự tương đồng cao hơn giữa các cặp song sinh cùng trứng so với các cặp song sinh khác trứng. [1, 5]

– Các yếu tố có thể khiến mụn bùng phát cũng bao gồm chu kỳ kinh nguyệt và căng thẳng về cảm xúc (emotional stress) [3, 6, 7]. Hơn 400 phụ nữ tuổi từ 12 – 52 tham gia vào nghiên cứu và có khoảng 177 người (44%) trải qua tình trạng có các đợt mụn nổi trước kỳ kinh nguyệt, và kết luận rằng có gần một nửa phụ nữ bị nổi mụn trước kỳ kinh nguyệt và điều này phổ biến hơn ở phụ nữ lớn tuổi [6]. Nghiên cứu [7] nghiên cứu trên 94 học sinh cấp 2 tìm thấy được sự liên hệ giữa stress và tình trạng trầm trọng của mụn (nghiên cứu vào 2 thời điểm: 1 thời điểm gây stress là trước kỳ kiểm tra và thời điểm ít stress là vào thời gian nghỉ hè), tuy vậy điều đáng ngạc nhiên là mức độ stress không ảnh hưởng đến mức độ sản xuất dầu trên da – nguyên nhân làm trầm trọng tình trạng mụn mà các nhà nghiên cứu nghi ngờ ban đầu.

– Mặc dù có một số nghiên cứu quan sát (Observational studies) trước đây cho thấy có mối tương quan nghịch giữa hút thuốc và mụn trứng cá, các nghiên cứu sau đó đã chỉ ra tình trạng mụn trứng cá sẽ nặng hơn khi hút thuốc [8]. Trong một nghiên cứu cắt ngang (cross-sectional study), 896 công dân của thành phố Hamburg, Đức cho thấy có mối quan hệ tuyến tính giữa tỷ lệ mụn trứng cá và số lượng thuốc lá hút hàng ngày, bên cạnh đó cũng tìm thấy rằng tình trạng mụn sẽ nặng hơn nếu hút nhiều thuốc hơn.

– Các sản phẩm gây quá nhờn trên bề mặt da có thể gây ra pomade acne, quần áo và thậm chí việc đổ mồ hôi quá mức cũng có thể làm trầm trọng tình trạng mụn [2]

– Mụn trứng cá nhiệt đới (tropical acne) có thể xảy ra ở quân nhân được phân công làm việc trong điều kiện nóng ẩm [2], điều đó có thể suy ra môi trường nóng, ẩm có thể tạo điều kiện cho mụn phát triển.

4. Những yếu tố chưa chắc chắn gây ra mụn

Bên cạnh các yếu tố có thể ảnh hưởng đến mụn đã liệt kê ở trên, còn một số yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến mụn, tuy nhiên có thể do số lượng nghiên cứu ít, cỡ mẫu nghiên cứu ít, phương pháp nghiên cứu còn thiếu sót hay có nhiều nghiên cứu có kết quả trái ngược nhau nên những nguyên nhân này cần phải có thêm nhiều nghiên cứu thêm nữa mới có thể xác định được ảnh hưởng của chúng lên mụn. Và điều này là rất quan trọng, bởi vì nó sẽ cung cấp thêm sự hiểu biết về cơ chế sinh bệnh của mụn trứng cá để từ đó có các phương pháp điều trị hiệu quả [1, 2, 3].

Các yếu tố này là:

– Sự ảnh hưởng của chế độ ăn uống lên mụn, cụ thể là:

+ Chế độ ăn ít đường

+ Ảnh hưởng của sữa lên mụn

+ Ảnh hưởng của chocolate lên mụn

– Bên cạnh đó, yếu tố quốc gia/ dân tộc có liên quan đến mụn hay không cũng chưa được rõ. Những người da tối màu dễ bị tăng sắc tố sau viêm và một số dạng mụn cụ thể, ví dụ như “pomade acne” [3].

=> Từ những thông tin trên, có thể thấy được mụn là một loại bệnh khá phức tạp và có thể bị ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, cả yếu tố bên trong cơ thể của từng người cũng như các yếu tố ngoại cảnh. Do đó, nếu bị mụn nặng dai dẳng, bạn nên chủ động đi khám tại các bệnh viện lớn để bác sĩ tìm hiểu nguyên nhân và các yếu tố liên quan về lên phác đồ điều trị cụ thể cho bạn nhé (mặc dù mình biết tìm một bác sĩ da liễu có tâm cũng khá khó :D, đa phần đều kê isotretinoin hết).

II. Phân Loại Các Loại Mụn

1. Cách phân loại mụn phổ biến

Có nhiều loại thang đo mụn, phân loại mụn và mức độ trầm trọng [2], tùy thuộc vào từng quốc gia. Do đó, trong bài viết này sẽ chỉ đề cập đến các loại mụn phổ biến và thang đo mức độ trầm trọng mụn thường thấy.

Những tổn thương mụn chủ yếu bao gồm [1,3]:

– Mụn không viêm (mụn trứng cá – comedones/ comedonal acne): mở (blackhead – mụn đầu đen) hoặc đóng (whitehead – mụn đầu trắng). Thường những loại mụn này không gây sưng tấy.

– Các tổn thương mụn viêm (thường đỏ và sưng): papulespustulescyst (hay cystic acne), nodule (hay nodular acne). Khi mụn bao gồm cả Cyst và Nodule thường được gọi chung với nhau là nodulocystic acne hoặc nodular cystic acne.

*do thuật ngữ khi dịch ra tiếng Việt không rõ ràng nên mình sẽ để tên loại mụn bằng tiếng anh

các loại mụn
Hình 2: Một số tổn thương mụn phổ biến (ảnh: Google, có chỉnh sửa lại)

Sau khi đã xem qua hình, bạn đã phân biệt được sự khác nhau của những loại mụn này chưa? Theo thông tin từ [W1, W2, W3, W4] và kinh nghiệm cá nhân thì:

– Blackhead: là một dạng mụn không viêm, xuất hiện dưới dạng nốt mụn nhỏ trên da do các nang lông bị tắc nghẽn. Những nốt mụn này được gọi là mụn đầu đen vì bề mặt trông sẫm màu hoặc đen (do bị oxy hóa).

– Whitehead: là dạng mụn không viêm, xuất hiện dưới dạng nốt mụn nhỏ có đầu mụn màu trắng và đó cũng là lý nó được gọi là mụn đầu trắng. Khác với mụn đầu đen, đầu lỗ chân lông đóng lại chứ không mở ra.

– Papule: Papules (mụn sẩn) xảy ra khi các bức tường xung quanh lỗ chân lông của bạn bị vỡ do viêm nhiễm nặng. Điều này dẫn đến các lỗ chân lông cứng, bị tắc nghẽn và có cảm giác mềm khi chạm vào. Vùng da xung quanh các lỗ chân lông này thường có màu hồng.

– Pustules (mụn mủ): cũng có thể hình thành khi các bức tường xung quanh lỗ chân lông bị vỡ. Không giống như sẩn, mụn mủ chứa đầy mủ. Những vết sưng tấy này xuất hiện trên da và thường có màu đỏ xung quanh. Chúng thường có đầu màu vàng hoặc trắng trên đỉnh.

– Nodule: Nodular acne (mụn u hay đôi khi còn gọi là mụn chai) xuất hiện khi các lỗ chân lông bị tắc, sưng tấy, kích ứng thêm và phát triển lớn hơn. Không giống như mụn mủ và sẩn, mụn u nằm sâu hơn bên dưới da và nó giống như một cái bọc xung quanh nang lông. Ban đầu, nó sẽ chứa toàn máu và sau đó theo quy trình phát triển của mụn thì nó sẽ bị viêm và biến thành mủ. Nhìn ở bên ngoài, nodule giống như một cục u nhỏ, có thể có màu da bình thường, thông thường nếu lớn hơn 1 cm thì có thể là nó đã hình thành ở bên dưới làn da của bạn và khi sờ vào bạn sẽ thấy khá cứng. Một đặc điểm nữa của mụn nodule là hầu như nó không “chín” – không thấy được đầu mụn như mụn đầu trắng thông thường. Những nốt mụn này tồn tại khá lâu, có thể vài tuần hoặc vài tháng và do đó, nó thường được gọi là ”mụn chai”.

– Cyst: Cyst (u nang) có thể phát triển khi lỗ chân lông bị tắc do sự kết hợp của vi khuẩn, bã nhờn và tế bào da chết. Các vết tắc xảy ra sâu bên trong da và nằm sâu bên dưới bề mặt hơn là nodules. Sự hình thành của nó khá tương tự với nodule nhưng nó có thể bị vỡ ra và do đó phá vỡ các lớp sâu trong da của bạn, từ đó có thể hình thành sẹo. Khác với nodule, bạn có thể thấy được đầu mụn ở sâu bên trong loại mụn này và do cyst chứa đầy mủ nên cũng mềm hơn nodule. Nhìn bề ngoài, cyst sẽ như một cục u màu đỏ và rất đau và nhức. Mụn cyst là dạng mụn trứng cá lớn nhất và sự hình thành của chúng thường do nhiễm trùng nặng. Loại mụn này cũng dễ để lại sẹo nhất.

*Ngoài ra, một số tình trạng mụn khác hiếm gặp hơn như: mụn nấm (malassezia acne), acne conglobata, pomade acne, truncal acne, hormonal acne… hay nhìn giống mụn nhưng không phải mụn như milia…thì mình sẽ có bài viết sau nhé

Đối với 2 loại mụn Nodule và Cyst thì bạn nên gặp bác sĩ da liễu do hầu như hai loại mụn này rất khó trị dứt điểm với các sản phẩm mỹ phẩm thông thường và rất dễ để lại sẹo. Bên cạnh đó, nốt mụn nặng lâu ngày có thể là dấu hiệu của ung thư da. Các bác sĩ sẽ thực hiện các kiểm tra cần thiết để có thể xác định đúng tình trạng mụn, cũng như các loại thuốc bôi và uống phù hợp với có thể bạn

Tuy vậy, nếu chưa thể đi thăm khám bác sĩ, bạn có thể cải thiện tình trạng mụn này bằng một số cách sẽ được liệt kê ở bên dưới nhé!

Thông thường, để điều trị các loại tổn thương do mụn này thì sẽ dựa vào loại mụn bạn gặp cũng như mức độ nghiêm trọng và phân bố của chúng. Mặc dù không có thang điểm phân loại chung nào được công nhận, nhưng thường chúng sẽ được chia thành các loại: không có mụn, hầu như không có mụn, nhẹ, trung bình, nặng [1].

Ở những bệnh nhân có mụn nặng nhưng bất thường và kéo dài, đặc biệt là khởi phát đột ngột, và ở những bệnh nhân nữ có dấu hiệu thừa androgen, thì cần phải được chỉ định làm các xét nghiệm và chụp X-quang [1]

2. Đánh giá mức độ mụn và cách trị mụn

A. Đánh giá

 

– Không có thang đánh giá chung do mức độ khác biệt về: môi trường, địa lý của mỗi quốc gia dẫn đến tình trạng mụn và các vấn đề da liên quan cũng khác nhau [9]. Bên cạnh đó, định nghĩa về mụn trứng cá và mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá có sự khác biệt rất nhiều giữa các nghiên cứu [2].

– Thông thường mụn sẽ được đánh giá bằng cách sử dụng thang đo mức độ nghiêm trọng gồm 5 mức độ: không có mụn, hầu như không có mụn, nhẹ, trung bình, nặng; trong đó các nghiên cứu và đề xuất hướng dẫn phương pháp trị mụn thường sử dụng 3 mức độ để đánh giá là: nhẹ, trung bình và nặng.

Chẩn đoán mụn trứng cá thường được thực hiện bằng phương pháp đánh giá lâm sàng. Bệnh nhân nên được hỏi về tiền sử gia đình, các triệu chứng và các dấu hiệu về rối loạn nội tiết tố, bao gồm cả thừa cortisol hoặc hormone tăng trưởng. Ví dụ, tiền sử kinh nguyệt không đều và rậm lông là dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), trong khi nổi mụn đột ngột có thể là dấu hiệu của khối u tuyến sinh dục. Bệnh nhân cũng có thể được hỏi về việc sử dụng các loại thuốc có liên quan đến mụn trứng cá (ví dụ, phenytoin, lithium, glucocorticoid và các biện pháp tránh thai chỉ có progestin). Việc sử dụng nội tiết tố androgen ngoại sinh thường dẫn đến mụn bùng phát. Trong một loạt trường hợp hiếm gặp, các chất bổ sung whey protein có liên quan đến việc làm trầm trọng thêm mụn trứng cá, đặc biệt là mụn trứng cá ở lưng.

Bên cạnh đó, trước khi đưa ra kế hoạch điều trị, điều quan trọng là phải xem xét thói quen chăm sóc da của bệnh nhân và các sản phẩm chăm sóc da mà họ sử dụng.

cách trị các loại mụn
Hình 3: Các mức độ mụn (A: mụn nhẹ; B và C: mụn vừa; D: mụn nặng) [1]

B. Cách trị mụn

Không có phương pháp điều trị lý tưởng nào cho mụn trứng cá, mặc dù vậy có thể tìm được phác đồ điều trị phù hợp để giảm tổn thương mụn cho hầu hết bệnh nhân [2]

Ngoài việc điều trị bằng các dược phẩm trị mụn, nên dành thời gian để giải thích các lầm tưởng của bệnh nhân về mụn và thông tin cho bệnh nhân rằng hầu hết các phương pháp điều trị cần có thời gian [2]

Do có nhiều phương pháp điều trị mụn trứng cá theo toa cũng như không kê đơn cho phép một số lượng lớn các phương pháp điều trị kết hợp tiềm năng. Một bài review toàn diện có hệ thống vào năm 1999 [10] đã nghiên cứu 274 thử nghiệm lâm sàng với 140 phương pháp điều trị đơn lẻ và 250 phương pháp điều trị kết hợp.

Tuy nhiên, hầu hết đều là nghiên cứu kiểm soát bởi giả dược của các sản phẩm me-too (Một sản phẩm được tạo ra giống với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh nhằm ngăn cản đối thủ cạnh tranh đó tối đa hóa thị phần) và các tác giả [2] không tìm thấy cơ sở nào từ các nghiên cứu kiểm soát để đánh giá được tính hiệu quả và so sánh nó với các nghiên cứu khác cũng như không so sánh được trình tự điều trị. Bởi vì một lượng lớn sản phẩm và khả năng kết hợp các sản phẩm này cũng như số lượng ít ỏi các nghiên cứu so sánh đã dẫn đến có các hướng dẫn trị mụn khác nhau và rất ít các hướng dẫn trị mụn dựa trên các bằng chứng từ các nghiên cứu. Bảng 1 cho thấy các loại chất điều trị khác nhau nhắm vào các khía cạnh khác nhau của bệnh lý của mụn. Tuy vậy, có một điểm chung là các hướng dẫn điều trị mụn của các hiệp hội da liễu đều có cách tiếp cận tương đối giống nhau – tức là dựa trên sự nghiêm trọng của mụn và loại mụn – mụn viêm hay không viêm để đưa ra các phương pháp điều trị [2].

cách trị mụn hiệu quả
Bảng 1: Các yếu tố gây mụn mà các liệu pháp nhắm vào (dịch từ nghiên cứu [2])

Tuy nhiên, đa số đều đồng ý nền tảng của việc kiểm soát mụn hiệu quả là liệu pháp kết hợp nhằm vào các cơ chế sinh bệnh khác nhau [1]Các bạn có thể xem qua gợi ý điều trị mụn trứng cá của tác giá [1] – và gợi ý này cũng khá tương đồng với hướng dẫn từ Học viện da liễu Hoa Kỳ (American Academy of Dermatology), Diễn đàn da liễu Châu u (European Dermatology Forum) và Nhóm công tác hướng dẫn mụn trứng cá của Pháp (French Acne Guidelines Working Group).

 

*Liệu pháp thoa kết hợp (BP và kháng sinh thoa; Re và BP; hoặc Re, BP và kháng sinh thoa) có thể được kê trong 1 sản phẩm với liều cố định hoặc kê các sản phẩm riêng biệt.

 

điều trị mụn
Bảng 2: Gợi ý liệu pháp điều trị mụn (dịch từ nghiên cứu [1])

Nhìn chung, một số phương pháp điều trị thường được gợi ý là [1,2]:

– Liệu pháp kết hợp retinoid dạng thoa và chất kháng khuẩn có chứa benzoyl peroxide được sử dụng để kiểm soát mụn viêm từ nhẹ đến nặng và cũng có khả năng điều trị mụn không viêm. Tuy nhiên, nên lưu ý do BP có thể gây bất hoạt cho Retinoids nên chia ra sử dụng Retinoids vào buổi tối và BP vào buổi sáng. Và để giảm thiểu kích ứng của BP, có thể sử dụng BP ở dạng rửa hoặc tiếp xúc ngắn trong khoảng 5p (xem thêm ở đây)

– Đối với trường hợp mụn trung bình đến nặng, thuốc uống kháng sinh cũng được khuyến khích, tuy vậy chỉ nên dùng trong khoảng thời gian giới hạn là 3 – 4 tháng. Sau khi cải thiện về mặt lâm sàng xuất hiện, có thể kiểm soát và duy trì mụn với việc dùng Retinoids dạng bôi. Nếu cần cũng có thể tiếp tục sử dụng BP.

– Liệu pháp uống thuốc tránh thai kết hợp với spironolactone song song với liệu pháp sử dụng các hoạt chất bôi tại chỗ là một liệu pháp điều chỉnh nội tiết tốt hiệu quả đối với mụn viêm ở bệnh nhân nữ và có thể được cân nhắc trong trường hợp các bệnh nhân không đáp ứng với liệu pháp bôi tại chỗ.

– Đối với bệnh nhân bị mụn nang và u nang nặng hoặc không đáp ứng với liệu pháp phối hợp, nên cân nhắc sử dụng isotretinoin (tuy vậy, cũng nên xem xét đến các tác dụng phụ của loại thuốc này).

– Tiêm corticosteroid vào mụn nang và mụn u nang cũng là một liệu pháp hiệu quả giúp nhanh chóng cải thiện tình trạng mụn này bằng cách giảm viêm, làm mụn xẹp xuống và ngăn ngừa gây ra sẹo [2, 11, 12, 14, W3]. Tuy vậy, theo bác sĩ da liễu Dr Dray [W3], phương pháp này cũng có một số hạn chế nhất định là đôi khi có thể để lại vết rạn trên da. Nếu tiêm quá nhiều, nó có thể để lại một chút vết lõm trên da sau khi nodule biến mất, nhưng vết lõm đó thường không vĩnh viễn. Nó thường sẽ được lấp đầy. Nhưng nếu bạn tiêm quá nhiều hoặc nếu nồng độ quá mạnh, về cơ bản nó có thể tự co da và để lại cho bạn một vết lõm. Ngoài ra nếu tiêm không đúng cách có thể để lại một mảng da bị đổi màu, tuy nhiên nó chỉ là tạm thời và sẽ cải thiện dần. Tuy nhiên, nếu tiêm đúng cách bởi bác sĩ có kinh nghiệm thì đây là một phương pháp rất hiệu quả để nhanh chóng loại bỏ mụn nodule và cyst.

*Thông tin thêm về một số thành phần trị mụn được áp dụng

– Retinoids:

Retinoids dạng thoa nên được xem là nền tảng của các liệu pháp trị mụn. Retinoids tại chỗ có tác dụng làm tan mụn, bình thường hóa quá trình bong vảy ở tế bào nang lông và có đặc tính chống viêm [1]. Benzoyl peroxide (BP) làm giảm hoạt động của tretinoin và do đó không nên áp dụng đồng thời hai thành phần này; nếu được sử dụng kết hợp thì nên sử dụng BP vào buổi sáng và tretinoin vào buổi tối [2].

– Các chất kháng khuẩn dạng bôi:

Ngoài Retinoids dạng bôi, Benzoyl peroxide cũng là một thành phần quan trọng trong liệu pháp trị mụn. BP có hiệu quả cao (cao hơn cả tretinoin [2]) trong việc làm giảm viêm và C.acnes thông qua việc giải phóng các gốc oxy tự do (do C.acnes là vi khuẩn kỵ khí), mà không gây ra sự kháng thuốc trong vi khuẩn. BP thường được sử dụng kết hợp với Retinoids dạng bôi để đạt hiệu quả cao hơn.

Một số loại thuốc kháng sinh dạng bôi như Clindamycin và Erythromycin cũng làm giảm nồng độ C. acnes tuy nhiên có thể gây ra kháng thuốc nên không nên dùng một mình mà nên kết hợp với các hoạt chất khác. Kết hợp giữa BP và các loại thuốc này cũng được xem là có hiệu quả tốt. Tuy nhiên, do BP vốn dĩ đã có đặc tính diệt khuẩn tuyệt vời, cộng thêm tác dụng làm tan mụn và chống viêm của Retinoids dạng bôi cũng như nỗ lực giảm việc sử dụng kháng sinh nói chung nên việc sử dụng kháng sinh dạng bôi đang ngày càng giảm dần [1].

– Những liệu pháp dạng bôi khác:

+ Azelaic acid cũng là một liệu pháp trị mụn nhẹ – vừa với khả năng cải thiện tăng sắc tố sau viêm. (Xem thêm thông tin về Azelaic acid ở đây)

+ Salicylic acid cũng là một hoạt chất có thể xem xét, mặc dù dữ liệu lâm sàng khá hạn chế và không có nghiên cứu ủng hộ việc sử dụng SA liên tục để thay cho các liệu pháp trị mụn khác. Salicylic acid là một tác nhân làm tan nhân mụn, tuy vậy nó được xem là kém hiệu quả hơn retinoids dạng bôi. Bù lại, SA dễ sử dụng hơn và là loại thuốc không cần kê đơn phù hợp cho mụn nhẹ [1,2]

+ Các dữ liệu về hiệu quả của sulfur (lưu huỳnh), resorcinol, sodium sulfacetamide, aluminium chloride và zinc cũng khá hạn chế [2]

=> Bên cạnh đó, các loại thuốc uống kháng sinh và các loại thuốc uống điều chỉnh hormone (cho nữ) hoặc kết hợp với các loại thuốc bôi cũng là một phương pháp điều trị hữu hiệu cho các trường hợp mụn vừa – nặng, đặc biệt là để kháng viêm (tuy nhiên, các loại thuốc kháng sinh này không nên uống quá 3 – 4 tháng liên tục do có khả năng kháng thuốc) [1,2]. Ngoài ra, isotretinoin cũng là một phương pháp điều trị mụn hiệu quả cho các trường hợp mụn năng, tuy nhiên cũng có khá nhiều tác dụng phụ [1,2]. Các vấn đề về thuốc uống là một vấn đề phức tạp và nên có sự can thiệp của bác sĩ nên hiện tại mình sẽ chưa đề cập tại đây mà sẽ đi sâu hơn trong các phần sau của series này nhé.

Tuy vậy, có thể kết hợp BP xen kẽ trong lúc uống để tiêu diệt các loại vi khuẩn kháng thuốc. Tổ chức Global Alliance to Improve Outcomes in acne (2003) khuyến cáo rằng nếu phải sử dụng kháng sinh trong thời gian dài hơn 2 tháng, nên sử dụng benzoyl peroxide trong tối thiểu 5-7 ngày giữa các đợt điều trị kháng sinh để giảm các sinh vật kháng thuốc khỏi da [2]

III. Cách Trị Mụn Nodule Và Cyst (Cách Trị Mụn U, Mụn Chai Và U Nang)

1. Gợi ý cách trị mụn u, mụn chai và u nang lông

Sau khi đã sơ lược qua về bệnh lý và sinh bệnh học của mụn, đã đến phần mà các bạn mong chờ khá lâu, đó chính là cách trị mụn nodule (nang) và mụn cyst (u nang). Về mô tả, so sánh 2 loại tổn thương mụn này cũng như bệnh lý và sinh bệnh học của chúng các bạn có thể đọc ở phía trên nhé, chúng mình sẽ đi ngay vào cách trị mụn thôi nào!

– Thông thường chỉ sử dụng thuốc bôi ngoài da không kê đơn sẽ không đủ để điều trị loại mụn này nên nhìn chung bạn nên đến bác sĩ thăm khám cụ thể để giảm nguy cơ sẹo mụn. Trong một số trường hợp nặng, bác sĩ có thể sử dụng isotretinoin. Thông thường, bác sĩ sẽ sử dụng liệu pháp kết hợp giữa nhiều thành phần hoạt tính để nhắm vào cải thiện cả 4 yếu tố chính gây ra mụn và có thể kết hợp với thuốc kháng sinh trong trường hợp quá nặng. Đối với phụ nữ thì bác sĩ có thể xem xét liệu pháp sử dụng các loại thuốc điều chỉnh hormone nếu thuốc dạng bôi không đáp ứng. Trong trường hợp nặng nhất bác sĩ sẽ sử dụng isotretinoin [1, 2]

Tuy vậy, nếu chưa thể đi khám bác sĩ, các bạn có thể áp dụng các kiến thức ở trên để điều trị dạng mụn này như sau:

– Các bạn có thể sử dụng các treatment kết hợp với nhau để trị cả 4 yếu tố chính trong việc sinh ra mụn: Tăng bã nhờn, rối loạn sừng hóa, viêm và C.acnes.

=> Do đó, mình gợi ý liệu pháp kết hợp sau đây: Retinoids/Azelaic acid (1) + Benzoyl peroxide (2) + kem dưỡng chứa Niacinamide (3)

+ Retinoids và BP đều có khả năng tác dụng vào 3 yếu tố sinh ra mụn theo bằng 1 là rối loạn sừng hóa, viêm và C.acnes. Trong đó, retinoids sẽ tốt hơn trong việc cải thiện rối loạn sừng hóa trong khi BP tốt hơn trong việc trị viêm và C. acnes [1,2]

+ Mặc dù không được đề cập trong bảng 1, niacinamide được nghiên cứu là có khả năng hỗ trợ điều chỉnh khả năng tiết dầu, do đó sẽ hỗ trợ cải thiện vấn đề này, điều mà retinoids và BP chưa làm được

+ Nếu mụn không quá nặng và tần suất thấp, có thể thay thế Retinoids bằng Azelaic acid, Azelaic cũng hỗ trợ làm sáng da nên cũng hỗ trợ cải thiện tăng sắc tố da sau viêm

Lưu ý:

(1) Retinoids, azelaic acid: dạng bôi. Retinoids để giám kích ứng có thể sử dụng liệu pháp tiếp xúc ngắn

(2) BP: do BP có thể dễ gây kích ứng nên mình gợi ý sử dụng dạng rửa hoặc tiếp xúc ngắn (bôi BP 2,5% lên toàn mặt như mặt nạ và để trong khoảng 3 – 5p). Và do BP gây bất hoạt Retinoids nên sử dụng BP buổi sáng và retinoids buổi tối, và dĩ nhiên không thể thiếu kem chống nắng

(3) Mình gợi ý kem dưỡng do sẽ tiện lợi hơn cho bạn, thay vì phải sử dụng serum riêng và kem dưỡng riêng. Bạn có thể thay thế bằng serum niacinamide riêng cũng được, tuy nhiên chỉ nên 4 – 5% do % quá cao sẽ dễ gây kích ứng, trong khi bạn sử dụng Retinoids và BP cũng là 2 thành phần dễ gây kích ứng nên cần hạn chế đến mức tối thiểu khả năng gây ra kích ứng trong routine.

Một số cách trị mụn khác

– Tiêm giảm mụn: Tiêm corticosteroid vào mụn nang và mụn u nang cũng là một liệu pháp hiệu quả giúp nhanh chóng cải thiện tình trạng mụn này [2, 11, 12, 14]. Bạn có thể hỏi bác sĩ về vấn đề này để họ tư vấn, tuy vậy cũng có khả năng gây ra tác dụng phụ như đã nêu ở phần trên nên bạn hãy tìm phòng khám uy tín nhé.

– Liệu pháp ánh sáng: Theo Dr dray [W3], trong quá trình mang thai, bạn có thể thử liệu pháp trị mụn bằng ánh sáng xanh và đỏ do đa phần bạn sẽ phải ngừng các thuốc bôi và thuốc uống trị mụn. Bên cạnh đó, một số liệu pháp ánh sáng khác, ví dụ liệu pháp ánh sáng IPL (intense pulsed light) cũng được gợi ý. Tuy vậy, chưa có nhiều bằng chứng nghiên cứu có chất lượng ủng hộ cho công nghệ này [13]. Bên cạnh đó, mặc dù các loại liệu pháp ánh này được xem là có thể hỗ trợ mụn viêm ban đầu nhưng chưa có nghiên cứu chứng minh kết quả lâu dài cũng như so sánh với các liệu pháp trị mụn khác, đồng thời cũng có một số tác dụng phụ như: đau, đỏ da, sưng da và tăng sắc tố nếu thực hiện không chính xác.

IV. Lưu Ý Khi Trị Mụn (Cách Trị Mụn Đúng)

– Nên tập trung vào các sản phẩm lành tính, an toànchỉ cần 1 – 2 treatment hiệu quả, không cần bất kỳ sản phẩm nào trong chu trình dưỡng da cũng phải có đặc tính trị mụn vì có thể gây kích ứng quá mức và không đáng có.

– Bắt đầu với nồng độ thấp sau đó tăng lên nồng độ cao khi bạn muốn, tuy nhiên KHÔNG NHẤT THIẾT phải tăng lên nếu nồng độ thấp đã giải quyết các vấn đề trên da (một số hoạt chất nồng độ thấp vẫn có hiệu quả, ví dụ như Niacinamide, Benzoyl peroxide hay Retinoids)

– Patch test tất cả các sản phẩm trước khi sử dụng trên toàn bộ khuôn mặt để tránh khả năng bị viêm da

Nguồn tham khảo

Research study

[1] Zaenglein, A. L. (2018). Acne vulgaris. New England Journal of Medicine, 379(14), 1343-1352.
[2] Williams, H. C., Dellavalle, R. P., & Garner, S. (2012). Acne vulgaris. The Lancet, 379(9813), 361-372.
[3] Bhate, K., & Williams, H. C. (2013). Epidemiology of acne vulgaris. British Journal of Dermatology, 168(3), 474-485.
[4] Ritvo, E., Del Rosso, J. Q., Stillman, M. A., & La Riche, C. (2011). Psychosocial judgements and perceptions of adolescents with acne vulgaris: A blinded, controlled comparison of adult and peer evaluations. BioPsychoSocial medicine, 5(1), 11.
[5] Bataille, V., Lens, M., & Spector, T. D. (2012). The use of the twin model to investigate the genetics and epigenetics of skin diseases with genomic, transcriptomic and methylation data. Journal of the European Academy of Dermatology and Venereology, 26(9), 1067-1073.
[6] Stolla, S., Shalita, A. R., Webster, G. F., Kaplan, R., Danesh, S., & Penstein, A. (2001). The effect of the menstrual cycle on acne. Journal of the American Academy of Dermatology, 45(6), 957-960.
[7] Yosipovitch, G., Tang, M., Dawn, A. G., Chen, M., Goh, C. L., Chan, Y. H., & Seng, L. F. (2007). Study of psychological stress, sebum production and acne vulgaris in adolescents. Acta dermato-venereologica, 87(2), 135-139.
[8] Schäfer, T., Nienhaus, A., Vieluf, D., Berger, J., & Ring, J. (2001). Epidemiology of acne in the general population: the risk of smoking. British journal of dermatology, 145(1), 100-104.
[9] Perkins, A. C., Cheng, C. E., Hillebrand, G. G., Miyamoto, K., & Kimball, A. B. (2011). Comparison of the epidemiology of acne vulgaris among Caucasian, Asian, Continental Indian and African American women. Journal of the European Academy of Dermatology and Venereology, 25(9), 1054-1060.
[10] Lehmann HP, Andrews JS, Robinson KA, Holloway VL, Goodman SN. Management of acne. US Agency for Healthcare Research and Quality (AHRQ) Evidence Report/Technology Assessment Number 17; Sept 2001.
[11] Levine, R. M., & Rasmussen, J. E. (1983). Intralesional corticosteroids in the treatment of nodulocystic acne. Archives of dermatology, 119(6), 480–481.
[12] Mahajan, B. B., & Garg, G. (2003). Therapeutic efficacy of intralesional triamcinolone acetonide versus intralesional triamcinolone acetonide plus lincomycin in the treatment of nodulocystic acne. Indian Journal of Dermatology, Venereology, and Leprology, 69(3), 217.
[13] Barbaric, J., Abbott, R., Posadzki, P., Car, M., Gunn, L. H., Layton, A. M., … & Car, J. (2016). Light therapies for acne. Cochrane Database of Systematic Reviews, (9).
[14] Newman, M. D., Bowe, W. P., Heughebaert, C., & Shalita, A. R. (2011). Therapeutic considerations for severe nodular acne. American journal of clinical dermatology, 12(1), 7-14.

Website

[W1] https://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/types-of-acne#inflammatory-acne
[W2] https://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/nodular-acne#nodular-vs-cystic-acne
[W3] Dr dray – https://www.youtube.com/watch?v=weJVasOX84k
[W4] Dr dray – https://www.youtube.com/watch?v=yP8FxbMAciw&t=200s

Default image
ADAMVIETNAM Team

ADAMVIETNAM Team được thành lập từ 02/2019. Từ đó đến nay, chúng mình đã liên tục phát triển để mang tới những nội dung chất lượng nhất tới độc giả. Hiện tại, team là tập hợp của các Reviewer, Beauty Blogger, Makeup Artist và cả các chuyên gia da liễu. Sứ mệnh của adamvietnam.net rất đơn giản, đó là giúp bạn luôn tự tin với vẻ ngoài của mình.

Leave a Reply