Cách Tẩy Tế Bào Chết Cho Da Mặt Đúng Cách

Dưới đây, mình sẽ hướng dẫn mọi người cách tẩy tế bào chết cho da mặt đúng cách, tránh gây yếu da, viêm da. Ngoài ra, bài viết sẽ có cả hướng dẫn khắc phục tình dạng da bị tổn thương do tẩy tế bào chết quá mức. Cùng bắt đầu nào

I. Tẩy tế bào chết

1. Khái niệm

Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu về khái niệm tẩy tế bào chết. Nói một cách dễ hiểu, tẩy tế bào chết là việc lấy đi lớp da chết trên bề mặt, giúp da mịn, sáng hơn và hỗ trợ một số vấn đề da phát sinh bởi lớp sừng quá dày. Khi tìm hiểu sâu hơn, các bạn sẽ gặp 2 thuật ngữ dễ gây nhầm lẫn:

– Keratinization: Keratinization (Keratin hóa) được định nghĩa là quá trình tế bào sừng di chuyển qua các lớp khác nhau của biểu bì (hay thượng bì – epidermis) để cuối cùng biệt hóa thành tế bào corneocytes ở lớp ngoài cùng của da [3].

– Skin desquamation: Desquamation là thuật ngữ chỉ sự bong tróc của lớp màng hoặc lớp ngoài cùng của mô, chẳng hạn như da (lột da) [W2]

2. Quá trình thay da tự nhiên

Để tìm hiểu rõ hơn về quá trình thay da tự nhiên, hãy cùng tìm hiểu một xíu về cấu trúc da người nhé! Da là một cơ quan lớn nhất trong cơ thể người và dễ nhìn thấy nhất, chiếm khoảng 16% tổng trọng lượng cơ thể. Chức năng chính của da là hoạt động như một rào cản, ngăn ngừa thất thoát nước và các thành phần khác của cơ thể ra môi trường và bảo vệ cơ thể khỏi nhiều tác động xấu từ môi trường. Da cũng có chức năng miễn dịch và chức năng cảm giác (xúc giác), cũng như giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể và tổng hợp vitamin D [1,2].

  • Da thường được chia thành 3 lớp cấu trúc chính: Lớp epidermis (thượng bì) và lớp dermis (trung bì) và hypodermis (hạ bì) ở dưới lớp dermis nhưng ít được nhắc tới hơn.

*Lớp thượng bì – epidermis

Lớp thượng bì được chia thành 5 lớp con nhỏ hơn là: basal (lớp tế bào cơ bản), spinous (lớp tế bào gai), granular (lớp hạt), lucid (lớp bóng – thường chỉ có ở nơi có lớp biểu bì dày như lòng bàn tay và lòng bàn chân) và corneum (lớp sừng) và lớp epidermis dày khoảng 120 micromet. Các lớp khác nhau của da hoạt động phối hợp để cung cấp sức mạnh và tính linh hoạt để thực hiện nhiều chức năng của da [1,2].

tẩy tế bào chết
Ảnh 1: Các lớp chính của thượng bì. Lớp bóng (không có trong ảnh này) chỉ có ở lớp thượng bì rất dày ở lòng bàn tay hay lòng bàn chân [1]

Chức năng hàng rào quan trọng của da chủ yếu nằm ở lớp trên cùng của thượng bì, lớp sừng (stratum corneum – SC). SC là rào cản đối với sự khuếch tán thụ động của nước ra ngoài da, cho phép con người sống trong môi trường không khí mà không bị mất nước; nó cũng là rào cản đối với các phân thử khác (ví dụ như chất gây kích ứng) và xâm nhiễm của vi sinh vật vào da. Lớp thượng bì epidermis cũng có chức năng miễn dịch và hỗ trợ bảo vệ da khỏi tác động của tia UV – tia cực tím thông qua hệ thống sắc tố [1].

Lớp sừng có chức năng hàng rào bảo vệ da quan trọng, giúp hạn chế mất nước qua da, rào cản các chất gây kích ứng và xâm nhiễm của vi sinh vật

Loại tế bào chủ yếu của thượng bì là tế bào sừng (keratinocyte). Tế bào gốc tồn tại từ lớp basal (đáy) đến lớp gai bắt đầu quá trình biệt hóa tế bào sừng, sau đó chúng di chuyển lên lớp granular (hạt), tại đó chúng mất nhân, chết và biến đổi thành tế bào corneocytes ở lớp ngoài cùng của da SC. Tế bào sừng tạo nên keratin và nhiều loại protein khác. Keratin là protein cấu trúc chính của SC. Bên cạnh đó, có 2 loại tế bào quan trọng khác trong biểu bì: tế bào hắc tố (melanocyte) và tế bào Langerhans [1,2]. Trên hầu hết các vị trí cơ thể, lớp SC dày từ 12 – 16 lớp tế bào, những nó có thể thay đổi, ví dụ từ 9 lớp ở trán hoặc mí mắt đến 25 lớp trên lưng của bàn tay và lên đến hơn 50 hoặc hơn trên lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân [1]

Có 2 loại tế bào quan trọng khác trong lớp biểu bì: tế bào melanocyte (tế bào hắc tố) và tế bào Langerhans. Tế bào hắc tố là những tế bào sản sinh hắc tố của da và lông ở các loài động vật có vú. Trong da, chúng được tìm thấy ở lớp đáy biểu bì. Một tế bào khác là tế bào Langerhands. Tế bào langerhans là tế bào miễn dịch hình đuôi gai và là tế bào trình diện kháng nguyên của da. Chúng rất quan trọng đối với hàng rào miễn dịch của biểu bì và cũng có tham gia vào tình trạng dị ứng tiếp xúc da [1]

tẩy tế bào chết da mặt
Ảnh 2: Cấu trúc tổng quát của da [2]

*Lớp trung bì – dermis

Trong khi các tế bào của lớp thượng bì rất nhiều và liên kết chặt chẽ với nhau, các tế bào ở lớp trung bì được ngăn cách bởi một mạng lưới phức tạp của vật liệu ngoại bào. Các tế bào chính của lớp trung bì là nguyên bào sợi, nhưng cũng có các tế bào miễn dịch và tế bào viêm, mô thần kinh và mạch máu [6]. Collagen, elastin và các sợi ngoại bào khác là thành phần chính của lớp trung bì. Collagen là protein phổ biến và quan trọng nhất trong cơ thể. Trong lớp trung bì, nó được sắp xếp trong một mạng lưới phức tạp, có trật tự, cung cấp sức mạnh cho da và chống lại sự kéo căng da. Elastin là một protein cấu trúc khác cung cấp tính linh hoạt cho da. Theo tuổi tác, sự sản xuất collagen và quá trình bổ sung elastin giảm đi, kết hợp với tia UV sẽ dẫn đến sự hình thành nếp nhăn và chảy xệ da. Và bởi vì Collagen và elastin là protein khá lớn nên collagen và elastin trong sản phẩm dạng bôi sẽ không hiệu quả bởi vì không thể hấp thụ qua lớp biểu bì được [2].

Chức năng: lớp trung bì cung cấp sức mạnh và tính linh hoạt cho da. Nó cũng chứa nguồn cung cấp máu cho lớp thượng bì do lớp thượng bì không có mạch máu riêng. Hệ thống mao mạch và tĩnh mạch nhỏ ở lớp hạ bì đóng vai trò thiết yếu trong việc kiểm soát thân nhiệt và huyết áp. Mặc dù da tạo thành một rào cản giữa môi trường ẩm bên trong cơ thể và môi trường bên ngoài, nhưng không có nghĩa là nó kháng nước hay dung dịch hoàn toàn. Các chất có thể xâm nhập vào da qua nhiều con đường khác nhau: xuyên qua hoặc giữa các tế bào của thượng bì hoặc qua các ống dẫn mồ hôi trên da hoặc các sợi nang lông. Bất kỳ chất nào gây viêm da đều đã thâm nhập vào ít nhất là các lớp bề mặt của thượng bì bởi vì từ đó mới có thể kích hoạt phản ứng viêm [2].

*Quá trình thay da tự nhiên

Ở điều kiện bình thường, hai quá trình Keratin hóa và Desquamation này đều diễn ra đều đặn trong làn da của chúng ta và thường liên quan đến chu kỳ thay da sinh học ở lớp stratum corneum ở thượng bì của người (turnover rate) và chu kỳ này thường diễn ra trong khoảng 2 – 4 tuần [4] (và khoảng 1 lớp tế bào corneocyte bong ra khỏi về mặt da mỗi ngày và được thay thế bằng tế bào sừng ở lớp hạt [1]), còn chu kỳ thay da của cả lớp thượng bì là khoảng 47 – 48 ngày [5].

  • Khoảng 1 lớp tế bào ở lớp sừng bong ra mỗi ngày, và chu kì thay da ở lớp sừng là khoảng 2 – 4 tuần

Tuy vậy, tốc độ thay da (turnover rate) sẽ chậm lại, chu kỳ tế bào dài ra và quá trình bong da kém hiệu quả hơn khi chúng ta già đi [6, W1]. Do đó, chúng ta có thể cần thêm các sản phẩm hỗ trợ quá trình thay da của cơ thể – thường gọi là các sản phẩm tẩy tế bào chết, gồm 2 loại là: tẩy tế bào chết cơ học (các loại miếng rửa mặt, máy rửa mặt) và tẩy tế bào chết hóa học (AHA, BHA,…)

Lợi ích của việc tẩy tế bào chết:

Theo [W1,W2,W3], tẩy tế bào chết có thể hỗ trợ cải thiện vẻ bề ngoài của da, giúp da đỡ xỉn màu hơn (do tích tụ nhiều tế bào chết), và có thể có lợi trong các vấn đề da liên quan đến hoạt động bất thường, quá mức của lớp sừng như: mụn, keratosis pilaris (dày sừng nang lông), post inflammatory hyperpigmentation (tăng sắc tố sau viêm, hay thường gọi là thâm mụn)…

3. Tẩy tế bào chết quá mức

Tuy vậy, do bong da thường diễn ra một cách khó nhìn thấy [4] nên chúng ta thường nghĩ là làn da mình không tự làm mới mà phải cần thiết một sản phẩm tẩy tế bào chết cho da. Truyền thông và quảng cáo từ các nhãn hàng cũng là một nguồn thông tin giúp các bạn tin là mọi người đều cần phải sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết cho da và phải kết hợp với nhiều sản phẩm tẩy tế bào chết và nồng độ cao, trong khi chưa biết rằng thực tế làn da vẫn có cơ chế tự làm mới. Các hoạt động thông thường thực tế cũng hỗ trợ exfoliate, ví dụ như rửa mặt, tắm [W1] hay massage bằng dầu tẩy trang.

Do bong da thường diễn ra khó nhìn thấy, cộng với truyền thông từ các nhãn hàng khiến mọi người nghĩ mình rất cần phải sử dụng sản phẩm tẩy TBC

Khi tẩy tế bào chết quá mức, từ các thông tin trên có thể suy ra được, là bạn khiến lớp sừng (SC) mỏng đi bằng việc sử dụng tẩy tế bào chết vật lý hoặc thúc đẩy quá trình bong tróc da nhanh hơn bằng tẩy tế bào chết hóa học (mặc dù một số tẩy tế bào chết hóa học có cũng có khả năng kích thích quá trình keratin hóa diễn ra nhanh hơn). Khi bề mặt lớp sừng mỏng đi mà các tế bào keratinocyte chưa kịp di chuyển lên thì tác dụng bảo vệ da của lớp sừng sẽ bị yếu đi, từ đó dẫn đến sự mất nước qua da, các chất kích ứng cũng dễ thấm sâu vào lớp thượng bì hơn, kích hoạt các tế bào Langerhans ở thượng bì và tế bào viêm ở trung bì gây ra các tổn thương mụn hoặc viêm da tiếp xúc. Bạn có thể click vào link xem qua viêm da tiếp xúc để thấy nó đáng sợ như thế nào.

Khi over-exfoliate, lớp sừng yếu đi, dễ gây mất nước qua da và khiến da dễ bị các tổn thương mụn hoặc viêm da tiếp xúc

II. Sai lầm khi tẩy tế bào chết quá mức

Vậy thì các sai lầm nào có thể khiến các bạn tẩy tế bào chết quá mức?

1. Nhầm lẫn mục đích sử dụng

Nhầm lẫn mục đích sử dụng [W1]:

– Nếu da bạn gặp vấn đề như mụn hay một số vấn đề có thể cải thiện được nếu tác động vào quá trình keratinization hoặc desquamation thì bạn nên sử dụng thêm sản phẩm tẩy tế bào chết, hoặc khi độ tuổi của bạn không còn trẻ và quá trình keratinization và desquamation diễn ra chậm đi

– Nếu da bạn đẹp sẵn và trong độ tuổi trẻ, bạn có thể sử dụng tẩy tế bào chết, nhưng thực tế là không cần thiết lắm. Nếu muốn dùng, bạn nên dùng các loại tẩy tế bào chết hóa học nhẹ nhàng hơn là sử dụng nồng độ quá cao hoặc tần suất quá nhiều

2. Tẩy tế bào chết quá nhiều

Tẩy tế bào chết quá nhiều [W1, W2]: Sai lầm này bắt nguồn từ các sai lầm nhỏ hơn, ví dụ như:

– Quá nhiều sản phẩm tẩy tế bào chết riêng biệt trong chu trình:

+ Có thể bạn thấy có nhiều loại tẩy tế bào chết được giới thiệu là cho nhiều loại da khác nhau và điều trị vấn đề da khác nhau và bạn muốn giải quyết nhanh các vấn đề đó nên đã kết hợp các sản phẩm này lại với nhau. Tuy nhiên, điều đó thường chỉ khiến tình trạng của bạn tệ hơn, đặc biệt là các bạn mụn nặng do lúc đó da của bạn đã không trong trạng thái khỏe, sử dụng càng nhiều sản phẩm tẩy tế bào chết quá mức sẽ khiến kích ứng da trầm trọng hơn

+ Không biết là trong chu trình dưỡng da của mình có nhiều sản phẩm có ảnh hưởng đến quá trình tẩy tế bào chết của da: ngoài các sản phẩm được giới thiệu là sản phẩm tẩy tế bào chết, một số thành phần cũng có ảnh hưởng đến quá trình keratinization ví dụ như retinoids, benzoyl peroxide, azelaic acid [8].

– Tần suất sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết quá nhiều, sử dụng cả ngày lẫn đêm và cả tuần

– Nồng độ quá cao

– Sử dụng tẩy tế bào chết vật lý: tẩy tế bào chết vật lý vẫn có lợi ích nhất định, tuy nhiên bạn thường “over do” nó, có nghĩa là bạn sử dụng trong thời gian quá lâu hay chà xát quá mạnh – và thực tế điều này rất khó kiểm soát, nên thường mang lại kết quả không tốt cho da

Thông thường, các bạn có thể mắc 1, 2 lỗi nhưng có thể da của bạn chịu được và cải thiện. Tuy nhiên, thông thường tình trạng da sẽ tệ hơn nếu bạn mắc 2, 3 lỗi kết hợp lại với nhau dẫn đến một làn da bị tẩy tế bào chết quá mức và dễ bị mụn hoặc viêm da tiếp xúc! Có thể da bạn sử dụng chịu được việc sử dụng tẩy tế bào chết cả trong chu trình sáng và tối và cả tuần, nhưng khi bạn sử dụng nồng độ cao hơn hoặc thêm một sản phẩm mới vào mà không biết sản phẩm đó có ảnh hưởng đến quá trình tẩy tế bào chết, thì bạn sẽ dễ khiến da mình rơi vào tình trạng tẩy tế bào chết quá mức đây!

Do đó, nếu:

– Da bạn gặp mụn, thâm, có vấn đề liên quan đến quá trình sừng hóa của da: có thể bổ sung thêm các thành phần có khả năng tẩy tế bào chết để hỗ trợ các vấn đề da gặp phải, tuy nhiên cẩn thận với các lỗi thường gặp ở trên.

– Khi da đã đẹp, hoặc nền da đã ổn định, nên giảm tần suất sử dụng tẩy tế bào chết lại để tránh việc tẩy tế bào chết quá mức.

3. Bạn nên làm gì?

Để cải thiện và ngăn ngừa tình trạng này, bạn nên:

– Bổ sung các sản phẩm dưỡng da, ví dụ kem dưỡng ẩm, sau khi tẩy tế bào chết [W1]. Do sau khi tẩy tế bào chết, tình trạng mất nước qua da có thể tăng lên gây kích ứng da nên sử dụng kem dưỡng sẽ hỗ trợ vấn đề này.

– Sử dụng tẩy tế bào chết hợp lý:

+ Chỉ nên sử dụng 1 – 2 sản phẩm có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình keratinization và desquamation trong da

+ Sử dụng tần suất vừa phải: bạn có thể bắt đầu với 2 – 3 lần/ tuần, sau đó tăng lên. Khi tăng lên bạn có thể tách ra sử dụng sáng và chiều, nên tránh sử dụng 2, 3 treatment mạnh chung một chu trình (mặc dù độ pH hay bản chất có thể kết hợp được, nhưng nếu da bạn yếu thì nên tránh và tách ra)

+ Nồng độ vừa phải, ví dụ BHA thường là 2%, AHA là 8 – 10%. Thậm chí, các sản phẩm không phải trực tiếp là sản phẩm tẩy tế bào chết như niacinamide bạn cũng nên sử dụng ở đúng nồng độ được nghiên cứu là có hiệu quả như 4 – 5% hơn là sử dụng nồng độ quá cao dễ bị kích ứng

+ Hạn chế, hoặc nếu được, ngưng sử dụng tẩy tế bào chết cơ học

+ Có thể sử dụng một số thành phần tẩy tế bào chết, ví dụ như Salicylic acid dạng rửa để giảm kích ứng (xem thêm bài này)

Nếu đã bị viêm da do tẩy tế bào chết quá mức rồi thì bạn nên làm gì?

Nếu đã bị viêm da, bạn có thể tham khảo routine hỗ trợ vấn đề này ở link sau

Mình nhắc lại một số nội dung cơ bản:

– Tạm thời ngưng treatment trong 1 – 2 tuần (tốt nhất là 2 tuần để các tế bào sừng mới di chuyển lên lớp sừng), sử dụng các sản phẩm phục hồi và dịu nhẹ; hoặc tốt hơn là sau khi ngưng sản phẩm thì đi khám bác sĩ da liễu

– Nếu không có điều kiện đi bác sĩ da liễu mà bạn ngưng sản phẩm và sử dụng các sản phẩm phục hồi, có thể bổ sung L-cystine – một loại thực phẩm chức năng có thể hỗ trợ tình trạng viêm da

– Khi da đã khỏe lại, bạn có thể sử dụng lại các treatment và các sản phẩm tẩy tế bào chết, tuy nhiên nên bắt đầu chậm (nồng độ và tần suất thấp)

Tham khảo

[1] Wickett, R. R., & Visscher, M. O. (2006). Structure and function of the epidermal barrier. American journal of infection control, 34(10), S98-S110.
[2] Casey, G. (2002). Physiology of the skin. Nursing Standard (through 2013), 16(34), 47.
[3] Hamblin, M. R., Avci, P., & Prow, T. (Eds.). (2016). Nanoscience in dermatology. Academic Press.
[4] Egelrud, T. (2000). Desquamation in the stratum corneum. Acta Dermato-Venereologica, 80.
[5] Iizuka, H. (1994). Epidermal turnover time. Journal of dermatological science, 8(3), 215-217.
[6] Grabowski, S. R., & Tortora, G. J. (2000). Principles of anatomy and physiology. New York, NY: Wiley.
[7] Ganceviciene, R., Liakou, A. I., Theodoridis, A., Makrantonaki, E., & Zouboulis, C. C. (2012). Skin anti-aging strategies. Dermato-endocrinology, 4(3), 308-319.
[8] Williams, H. C., Dellavalle, R. P., & Garner, S. (2012). Acne vulgaris. The Lancet, 379(9813), 361-372.

Website/others:

[W1] Dr Dray video: https://www.youtube.com/watch?v=wHzh_WxIbEc&t=192s
[W2] Dr Sam video: https://www.youtube.com/watch?v=9HkAGkD6PlM
[W3] https://www.aad.org/public/everyday-care/skin-care-secrets/routine/safely-exfoliate-at-home

Default image
ADAMVIETNAM Team

ADAMVIETNAM Team được thành lập từ 02/2019. Từ đó đến nay, chúng mình đã liên tục phát triển để mang tới những nội dung chất lượng nhất tới độc giả. Hiện tại, team là tập hợp của các Reviewer, Beauty Blogger, Makeup Artist và cả các chuyên gia da liễu. Sứ mệnh của adamvietnam.net rất đơn giản, đó là giúp bạn luôn tự tin với vẻ ngoài của mình.

Leave a Reply